Dù được triển khai áp dụng hơn hai thập kỷ qua, nhưng mô hình tôm – lúa chỉ thực sự hiệu quả khi các công trình thủy lợi đưa vào vận hành gần đây.
Mô hình ‘con tôm ôm cây lúa’ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiệu quả khi các công trình hạ tầng thủy lợi được đưa vào vận hành. Ảnh: Trọng Linh.
Thay đổi ngoạn mục nhờ công trình thủy lợi
Mặc dù mô hình tôm lúa tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã được hình thành hơn thập kỷ qua, nhưng chỉ thực sự thành công vài năm trở lại đây.
Nông dân Trương Văn Thòn (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh bạc Liêu) chia sẻ: Nhiều năm trước đây, mô hình tôm lúa chủ yếu thu nhập chính từ con nuôi thẻ, tôm càng xanh là chính, trồng lúa chỉ có lợi nhuận rất nhỏ.
Lý do, một phần vì trước đây kỹ thuật canh tác của nông dân còn hạn chế, một phần vì chưa tìm được nhiều giống lúa thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, nhất là hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất tôm lúa còn nhiều hạn chế.
Trước đây nông dân chủ yếu gieo sạ giống lúa địa phương như “Một Bụi Đỏ” hoặc lúa lai. Hệ thống điều tiết mặn ngọt không ổn định, trúng lúa thì tôm thất và ngược lại nên năng suất tôm lúa đều thấp. Tuy nhiên, khoảng hơn 5 năm trở lại đây ngành nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhiều công trình hạ tầng thủy lợi điều tiết được mặn, ngọt hợp lý nên nông dân đầu tư nhân rộng.
Bên cạnh các công trình thủy lợi, nhiều giống lúa mới được lai tạo thí nghiệm thành công trên vùng đất này. Trong đó phải kể đến giống lúa ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, đã mở ra trang mới cho người dân vùng lúa – tôm. Năng suất lúa không ngừng tăng lên từng năm và câu chuyện “con tôm ôm cây lúa” giúp nông dân làm giàu theo năm tháng.
Nếu như trước đây năng suất chỉ đạt 3,5 – 4 tấn/ha hiện nay năng suất đã tăng lên từ 5 – 6,5 tấn/ha, nhiều vụ năng suất đạt 7 – 8 tấn/ha, tùy theo giống lúa. Đối với mô hình tôm lúa, nông dân có 8 tháng nuôi tôm (tôm sú, tôm càng xanh) và 4 tháng trồng lúa (có thể kết hợp nuôi tôm, cua hoặc nuôi cá kèo). Với mô hình thông minh này, nông dân thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết: Huyện Hồng Dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong quá trình sản xuất nông nghiệp của huyện được chia thành 2 vùng rõ rệt.
Vùng ngọt chuyên canh lúa 2 vụ/năm. Tập trung chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 9.000 ha. Vùng chuyển đổi sản xuất theo mô hình tôm lúa với diện tích 24.000ha, sản lượng bình quân trên 150.000 tấn.
Nhờ điều tiết được mặn ngọt, nên mô hình tôm – lúa điều phát huy được hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.
Năm 2021, huyện Hồng Dân sản xuất lúa với diện tích canh tác hơn 34.000ha. Các giống lúa gieo sạ chủ yếu như: Một Bụi Đỏ, ST24, ST25, OM18, Đài Thơm 8, lúa lai và một số giống lúa mới. Trong đó, nhóm lúa thơm chiếm 35%, lúa mùa (Một Bụi Đỏ) chiếm 30%. Nhóm lúa lai chiếm 25%, nhóm giống lúa khác chiếm 10%.
Vụ lúa trên đất tôm vừa qua cơ bản đã thu hoạch dứt điểm, năng suất trung bình đạt 6 – 6,5 tấn/ha, trừ chi phí nông dân có lãi từ 20 -30 triệu đồng/ha. Mô hình tôm – lúa vùng chuyển đổi được xem là mô hình thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mô hình tiềm năng và đóng góp kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp.
Nông dân Phạm Văn Quyền (ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) chia sẻ: Từ khi chuyển đổi áp dụng sản xuất mô hình tôm lúa trở thành nguồn thu nhập chính gia đình, cũng như giúp nông dân hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
Nếu như trước đây thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa/năm thì nay đã có thêm thu nhập từ con tôm. Nhờ mô hình “con tôm ôm cây lúa” đã giúp nông dân xã Ninh Quới A làm giàu, góp phần cho miền quê này thay da đổi thịt.
Vụ lúa (mô hình tôm lúa) vừa qua nông dân TX Giá Rai thu hoạch lúa cho năng suất trung bình đạt trên 6,5 tấn/ha, với gián bán 8.000 đồng/kg lúa ST25. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Phan Văn Hưởng (ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cho rằng: Thành công lớn nhất của mô hình tôm lúa là nông dân đã tích cực áp dụng các số tiến bộ kỹ thuật mới.
Cụ thể, như sử dụng giống lúa chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm lúa. Vùng mở rộng diện tích từ nuôi tôm kém hiệu quả sang luân canh 2 vụ tôm và 1 vụ lúa.
Mô hình đã cho hiệu quả cao và ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Năm 2021, tổng thu nhập của mô hình đạt 90 -100 triệu đồng/ha và cho lợi nhuận bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) cho biết: Những năm qua nhờ sản xuất hiệu quả, mô hình tôm lúa ở địa phương không ngừng được nhân rộng. Nếu năm 2019 có 1.600 ha sản xuất theo mô hình tôm lúa thì năm 2020 lên 2.100 ha, tới năm 2021 đạt 2.535ha.
Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: Thành công lớn nhất của mô hình tôm lúa là thay đổi được tư duy của nông dân từ cái cũ sang cái mới, từ cách làm truyền thống sang sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình tôm lúa còn giúp nông dân sản xuất ra nông sản sạch, thị trường thu mua rộng.
Năm nay lúa trúng năng suất, tôm cũng được giá bán. Ảnh: Trọng Linh.
Điều tiết mặn, ngọt ổn định
Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho mùa khô 2021 – 2022 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kịch bản ứng phó tình hình hạn hán xâm nhập mặn. Đồng thời thực hiện lịch điều tiết nước đáp ứng như cầu sản xuất lúa – tôm cho nông dân.
Mùa khô 2021 – 2022 ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chọn kịch bản 2 ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tương đương mùa khô năm 2019 – 2020.
Ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn năm 2022, kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 – 2022 Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất lên UBND tỉnh 3 kịch bản dựa theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn UBND tỉnh Bạc Liêu đã chọn kịch bản 2.
Theo đó, mùa khô năm 2021 – 2022 sẽ tương đương với mùa khô năm 2019 – 2020. Trong đó, vụ lúa đông xuân xuống giống khoảng 45.000 ha, giảm 3.400 ha. Nhưng trên thực tế số lượng gieo sạ của nông dân vụ lúa đông xuân đạt hơn 48.000 ha vì lượng nước ngọt năm nay cũng còn khá đầy đủ và mực nước trên cánh đồng còn khá cao + 0,2. Hiện tại hơn 40.000 ha lúa đông xuân năm 2021 – 2022 đang bước vào thời kỳ làm đòng, trỗ.
Theo ông Hải, lượng nước ngọt phục vụ sản xuất lúa đến nay vẫn khá ổn định, có thể phục vụ cho vụ lúa đông xuân của người dân năm nay đầy đủ. Hiện nay, nguồn nước mặn cũng đã đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Tại ngã tư Ninh Quới độ mặn đạt trung bình từ 9 – 10% độ.
Ông Phan Thanh Tùng, Phụ trách Cống âu thuyền Ninh Quới, cho biết: Nhiệm vụ của Cống âu thuyền Ninh Quới là ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân của hai tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng với khoảng 26.500ha và vùng thiếu mặn của huyện Hồng Dân là 8.000ha. Đồng thời, tạo điều kiện dẫn ngọt từ sông Hậu về từ phía Nam QL1A của tỉnh Bạc Liêu khoảng 30.000ha.
Mô hình 2 vụ tôm, 1 vụ lúa là mô hình chủ yếu trong phát triển kinh tế của huyện Hồng Dân. Đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn. Mô hình được đánh giá là thuận thiên và là lợi thế của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Trọng Linh – Trung Chánh