Sau thành công ở vụ tôm nước lợ năm 2021, cùng với đó là độ mặn lên khá nhanh và nhất là giá tôm được giữ vững ở mức cao trong những tháng đầu năm, càng kích thích thủ phủ tôm đồng bằng sông Cửu Long vào vụ sớm hơn. Tuy mọi thứ được dự báo sẽ không dễ dàng nhưng từ người nuôi nhỏ lẻ đến trang trại, doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị khá chu đáo với mục tiêu hướng đến một vụ nuôi mới thành công hơn.
Những ngày này, trên khắp các vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… không khí mùa vụ đã trở nên nhộn nhịp hơn. Từ việc cải tạo, nâng cấp mô hình nuôi cho đến khâu lấy nước, xử lý nước, thả giống, thậm chí có những diện tích thả sớm đang chuẩn bị thu hoạch lứa tôm đầu tiên. Tại trang trại nuôi tôm thuộc hàng lớn nhất cả nước của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, toàn bộ hơn 300 ao nuôi đều đã được thả giống xong. Còn tại trang trại của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, theo dự kiến, lứa tôm đầu tiên sẽ được thu hoạch ngay trong tháng 3 này và nếu mọi thứ thuận lợi, sản lượng tôm sẽ không dưới 2.000 tấn.
Mô hình nuôi tôm thẻ trong ao đất sẽ có thêm cơ hội thành công cao từ sự chuyển giao giải pháp kỹ thuật và đồng hành của các doanh nghiệp
Làm thế nào để có một vụ nuôi thành công như mong đợi vẫn là câu hỏi khó có được một đáp án chung nhất, bởi điều đó còn tùy thuộc vào điều kiện vùng nuôi, khả năng tài chính, trình độ tay nghề… Tuy nhiên, dù nuôi theo mô hình nào đi nữa, đối với những hộ nuôi tôm thành công họ đều nằm lòng câu “khẩu quyết”: “Nhất giống, nhì môi (môi trường), tam mồi (thức ăn), tứ kỹ (kỹ thuật – quy trình)”. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Nghề nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng chỉ cần có được con giống tốt, tạo môi trường nuôi tốt (xử lý nước), dinh dưỡng (thức ăn) đầy đủ và thêm quy trình kỹ thuật phù hợp nữa thì tỷ lệ thành công sẽ cao”.
Phân tích thêm tình hình nuôi tôm ở Việt Nam, ông Lực cho biết: “Môi trường nước nuôi tôm ở Việt Nam không tốt bằng các nước khác, nên chi phí cho việc xử lý còn cao. Thứ hai là con giống hiện vẫn còn có sự chênh lệch quá lớn về chất lượng và đi kèm theo đó là giá bán. Đây chính là lý do vì sao tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam còn thấp và giá thành tôm nuôi vẫn còn cao so với các nước. Vì vậy, để giảm giá thành tôm nuôi, theo tôi thay vì trông chờ giá vật tư đầu vào giảm, chỉ cần chúng ta nâng được tỷ lệ nuôi thành công lên cao thì giá thành tôm nuôi của chúng ta cũng đã giảm đi đáng kể”.
Thực tế cho thấy, yếu tố con giống là rất quan trọng và có tính quyết định đến thành công ở mỗi vụ nuôi. Nếu như chất lượng, giá cả thức ăn dành cho tôm nuôi hiện có trên thị trường gần như không có sự chênh lệch lớn thì ngược lại, con giống luôn là sự khác biệt lớn giữa các thương hiệu. Có những loại tôm giống có thể nuôi về từ 15 – 20 con/kg, nhưng cũng có loại chỉ nuôi về được từ 40 – 50 con/kg là phải thu hoạch bởi có nuôi thêm nữa chỉ lỗ tiền thức ăn, ô nhiễm môi trường chứ tôm không lớn. Trong khi đó, đa phần những hộ nuôi tôm thẻ theo mô hình cấp thấp như ao đất chẳng hạn thường chọn tôm giống giá rẻ mà ít quan tâm đến chất lượng, uy tín thương hiệu. Ngược lại, những hộ nuôi tôm thẻ lót bạt, nuôi 2 – 3 giai đoạn… đều chọn tôm giống của những thương hiệu có uy tín trên thị trường. Điều này lý giải vì sao những hộ nuôi tôm thẻ lót bạt quy mô lớn đều có được thành công cao. Điển hình như trang trại nuôi tôm của Sao Ta, hàng trăm hécta đã nuôi hàng chục năm nay mà chưa năm nào họ bị thua lỗ.
Vấn đề môi trường cũng cực kỳ quan trọng đối với nghề nuôi tôm, bởi “nuôi tôm là nuôi nước”, nên chỉ có quản lý tốt nguồn nước thì mới có được sự thành công. Anh Huỳnh Hàn Châu – hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: “Đối với con tôm, môi trường sống là rất quan trọng. Môi trường ở đây bao gồm nhiều chỉ tiêu, nhưng cơ bản vẫn là: độ mặn, pH, độ kiềm, độ trong, hàm lượng chất khoáng, ôxy hòa tan… đều phải nằm trong ngưỡng cho phép thì tôm mới phát triển tốt và ít xảy ra dịch bệnh. Do đó, hiện hầu hết các mô hình nuôi tôm cấp cao đều dành ra 70 – 80% diện tích để chứa nước, xử lý nước… nhưng năng suất, sản lượng đạt được trên cùng đơn vị diện tích vẫn rất cao”.
Hiện nay, tôm thẻ cỡ lớn đang là một lợi thế lớn về giá, nhưng để nuôi về cỡ lớn (từ 15 – 20 con/kg) không phải ai cũng có thể làm được. Hầu hết các hộ nuôi tôm thẻ đạt kích cỡ lớn thành công đều cho rằng, chỉ có loại tôm giống lớn nhanh và quy trình nuôi phù hợp thì mới có thể nuôi tôm về kích cỡ lớn được. Còn ông Hồ Quốc Lực thì cho rằng, bên cạnh con giống, thức ăn thì vấn đề nằm ở quy trình kỹ thuật chứ không phải mô hình. Ông Lực dẫn chứng: “Như trang trại của Sao Ta vẫn sử dụng con giống, thức ăn của công ty CP nhưng quy trình kỹ thuật nuôi là của riêng Sao Ta mà chúng tôi vẫn thành công từ trước đến giờ. Do đó, theo tôi việc đúc kết, chọn lựa mô hình nuôi nào là phù hợp nhất với điều kiện nuôi của mình mới là quan trọng chứ không nhất thiết phải bê nguyên xi mô hình nào đó”.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất người viết có được, sau thời gian nghiên cứu, nuôi thử nghiệm thành công, trong vụ tôm năm nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam sẽ chuyển giao giải pháp kỹ thuật dành cho mô hình nuôi tôm thẻ ao đất với tên gọi: “CP.GOAL15” được đồng bộ hóa ở 4 khâu: tôm giống, thức ăn, kỹ thuật quản lý và sự chăm sóc của nhân viên CP để giúp người nuôi tôm nuôi đạt kích cỡ 15 con/kg. Đây thực sự là tin vui đối với người nuôi tôm nhỏ lẻ bởi một khi mô hình này thành công trên diện rộng sẽ không còn người nuôi tôm nào “bị bỏ lại phía sau” và khi đó, nghề nuôi tôm mới thật sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững như mục tiêu đề ra.