Ở mô hình nuôi nào, đối tượng thuỷ sản này cũng cho hiệu quả nhất định. Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng tôm thẻ chân trắng cũng là vật nuôi rất nhạy cảm với những thay đổi từ thời tiết, khí hậu, thông số môi trường nước, dịch bệnh…
Tuỳ mức độ biến động của các vấn đề trên, sẽ tác động, gây ra ảnh hưởng khác nhau đến sức khoẻ, sức đề kháng tôm nuôi. Ảnh hưởng nhẹ thì tôm chậm lột xác, tỷ lệ tôm lột xác không đều. Nặng thì tôm bỏ ăn, gan vàng hoặc trắng, ruột trống, chết rớt hố si phon.
Nguyên nhân gây bệnh trên tôm
Một trong những vấn đề bà con nuôi tôm hay gặp, trong quá trình triển khai mô hình đó là tôm nuôi được 1 tháng, có hiện tượng vỏ xấu, vỏ tôm thô ráp, sần sùi, tôm khó lột. Gan tôm mờ, màu gan chuyển từ nâu sang nâu nhạt hoặc vàng nhạt, đường ruột tôm nhỏ, mờ. Tôm ăn chậm hoặc ăn yếu so với bầy tôm cùng tuổi, cùng thời gian nuôi, cùng điều kiện chăm sóc. Tôm chậm lột xác, lột xác không đều, tỷ lệ tôm trong ao lột xác ít. Tôm tăng trưởng chậm, tôm so le size, tôm phân đàn, một số tôm có hiện tượng hoại tử chân bơi, chân bò, râu, mang…
Tôm thẻ chân trắng cũng là vật nuôi rất nhạy cảm với những thay đổi từ thời tiết, khí hậu, thông số môi trường nước, dịch bệnh… Ảnh: Tép Bạc
Nuôi tôm trong vùng nước có độ mặn trong trung bình 10 – 12% hoặc nguồn nước có độ mặn thấp < 10%, nuôi tôm vùng nước ngọt, cùng với các độ mặn trên, nguồn khoáng chất trong nước thường thiếu, đặc biệt là các khoáng cần cho tạo vỏ mới của tôm như Mg2+, Ca2+, K+, là nguyên nhân gây ra hiện tượng đã mô tả trên.
Một số vùng nuôi, bà con xài khoáng rất nhiều, nhưng vỏ tôm vẫn thô ráp, xấu. Khả năng hấp thu khoáng chất của tôm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại khoáng bà con sử dụng, chất lượng khoáng, liều lượng dùng và thời điểm đánh khoáng.
Các yếu tố khác như tình trạng sức khoẻ tôm, hàm lượng khí độc, hàm lượng kim loại năng, biến thiên pH, hàm lượng oxy hoà tan, độ kiềm…trong ao liên quan, tác động, gây ra hiện tượng trên.
Khi các yếu tố này thay đổi theo chiều hướng xấu, khả năng hấp thu khoáng chất của tôm rất hạn chế, dù người nuôi đánh khoáng liên tục, vẫn dễ sảy ra hiện tượng đã mô tả ở phần trên. Vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng …xuất hiện nhiều trong ao, tấn công trực tiếp tôm, làm tôm suy giảm miễn dịch, sức khoẻ suy yếu, gây ra hiện tượng đã mô tả trên.
Những vùng độ mặn 0%, bà con sử dụng nguồn nước mặn từ giếng khoan. Thường nguồn nước ngầm chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, CO2, hàm lượng kim loại nặng cao, đặc biệt là Fe. Nước ngầm thường nhiễm phèn nặng, chứa nhiều khoáng chất như Fe, Mn, Ca, Mg,… oxy hoà tan thường không có, pH thấp, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
Nên chú ý đến môi trường nước trong ao vì chúng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh trên tôm. Ảnh: Tép Bạc
Ngoài phần vỏ thô ráp, sẩn sùi, gan tôm chuyển màu, ruột mờ như đã mô tả…do sức đề kháng giảm, sức khoẻ suy giảm, nên các cơ quan tiêu hoá liên quan cũng ăn hưởng. Điều này, càng làm sức khoẻ tôm chuyển biến xấu rất nhanh, tôm bắt đầu chết rải rác, số lượng chết tăng dần nếu người nuôi không có các giải pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Phòng bệnh trên tôm
Phòng bệnh chủ động luôn là lựa chọn hàng đầu, hiệu quả cao nhất. Phòng bệnh thông qua chọn khoáng chất hữu cơ, khoáng hữu cơ chelate sử dụng trong nuôi tôm thẻ thâm canh, công nghệ cao. Kết hợp trộn khoáng cho ăn và tạt khoáng vào môi trường nước nuôi tôm. Chủ yếu bổ xung khoáng Mg2+, Ca2+, K+, sử dụng các loại vôi, hoá chất như CaCO3, CaO, Ca(OH)2, CaSO4, CaCl2, CaMg(CO3)2, Ca2+, Mg2+, K+…ổn định pH, kiềm, khoáng chất.
Sử dụng KMnO4, PAC (Poly Aluminum Chloride), EDTA… để lắng tụ, hấp thu kim loại nặng, trong môi trường ao nuôi. Sử dụng vi sinh EM kết hợp ủ yếm khí với khóm, rỉ đường và vi sinh có thành phần vi khuẩn như Nitrobacteria, Nitrosomonas, Thiobacillus, T. thiooxidans, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis xử lý khí độc.
Chủ động bổ xung vào thức ăn tôm chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Inositol, Beta glucan, vi sinh đường ruột có lợi, enzyme hỗ trơ tiêu hoá, acid amine thiết yếu, chất tăng cường đề kháng, vitamin tổng hợp…cải thiện cơ quan tiêu hoá như gan, bao tử, ruột tôm…, giúp tôm phát triển ổn định, tăng trưởng tốt.
Sorbitol. Ảnh: Wikipedia
Khi tôm có hiện tượng đã đề cập trên, bà con cần giảm lượng thức ăn hàng ngày 50%, tốt nhất ngưng cho tôm ăn.
Bà con có thể dùng hạt, lá, rễ, cây trâm bầu, xay nhuyễn, ngâm lấy nước, trộn vào thức ăn tôm, sổ EHP cho hiệu quả cao. Nên dùng Chloramine B C6H5SO2NClNa để xử lý nước, diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng sau khi sổ, hoặc diệt khuẩn định kỳ. Để sổ ký sinh trùng hiệu quả, cách xử lý triệt để ký sinh trùng…bà con tìm đọc lại các chuyên đề này trên Tepbac.
Việc bổ sung chất khoáng, xử lý chất lơ lửng, kim loại nặng, khí độc…tương tự như phòng bệnh, tuy nhiên liều dùng khi điều trị sẽ thay đổi. Bà con thực hiện theo hướng dẫn nhà sản xuất sản phẩm liên quan. Khi cho tôm ăn lại, bà con nên bắt đầu bằng lượng ăn 50%, sau đó tăng dần ở những ngày tiếp theo.
Chủ động bổ xung vào thức ăn tôm chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionin, Choline, Inositol, Beta glucan, vi sinh đường ruột có lợi, enzyme hỗ trơ tiêu hoá, acid hữu cơ, acid amine thiết yếu, chất tăng cường đề kháng, vitamin tổng hợp, liều dùng thường gấp đôi so với liều phòng bệnh.
Hiện tượng trên thường gặp trong quá trình nuôi tôm, bà con cần theo dõi tôm nuôi, phát hiện sớm, kịp thời xử lý. Tránh để bệnh diễn biến nặng, khi tôm bắt đầu rớt đáy…việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian, công sức, nhưng hiệu quả điều trị không cao.
Lý Vĩnh Phước (tepbac.com)